Cần một 'nhạc trưởng' cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

  • 30/12/2021 10:20:20
  • Vân Hồng - Anh Thư
  • Kinh tế
  • 0

Tình trạng ùn tắc gây ảnh hưởng lớn tới việc thông thương hàng hóa, đặc biệt nhóm hàng nông, thủy sản với nguy cơ hư hỏng rất cao. Giải pháp nào để tháo gỡ?

 

Chuyện rất mới mà không mới là nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, đặc biệt là ở 3 cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn, với hơn 4.000 xe vẫn chờ đợi, trong khi mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 100 xe. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn tới việc thông thương hàng hóa, đặc biệt là các nhóm hàng nông, thủy sản với nguy cơ hư hỏng rất cao. Giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?

Chuyện cũ mà vẫn mới

Hơn 6.000 xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu là “sự kiện cảnh tỉnh” với chuỗi cung ứng và giá trị nông sản của Việt Nam. Điều này cho thấy việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bắt nhịp được với tốc độ phát triển của thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu

Tình trạng tắc nghẽn nông sản tại các cửa khẩu liên tiếp diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm về trước việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với một số mặt hàng có sản lượng lớn thu hoạch vào cùng một thời điểm như: thanh long, dưa hấu, chuối. Năm nay nay tất cả các mặt hàng nông sản đều không qua được biên giới.

Nhìn vào gốc rễ vấn đề của việc ùn ứ hàng hóa ở biên giới lần này cho thấy, chính sách kiểm soát hàng hoá chặt chẽ của Trung Quốc chỉ là bước siết chặt hơn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính yếu là do thị trường nước này ngày càng “khó tính”, quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch bị siết chặt. Trong khi đó, các thương lái và doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ thói quen lấy cửa khẩu vùng biên, khu vực thông thương của cư dân vùng biên giới, làm đường đi chủ lực của hàng hoá. Và nông sản gặp rủi ro là hệ luỵ tất yếu.

Hàng chục nghìn tấn nông sản phơi nắng ở cửa khẩu

Điều đáng nói, mặc dù các bộ, địa phương biên giới liên tục khuyến cáo trước Tết Nguyên đán 14 ngày, phía Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ, không nhập hàng hóa đông lạnh mà chỉ nhập hàng nóng không qua đông lạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp lý, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng ứ đọng.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết, do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch nên hiện mỗi ngày chỉ thông quan 88 xe qua 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma. Riêng cửa khẩu Tân Thanh chưa mở trở lại. Để hỗ trợ chủ hàng, tỉnh đã cập nhật thông tin về thời gian, lượng xe thông quan theo từng ngày trên trang điện tử của tỉnh. Thậm chí còn nhắn tin thông qua Zalo cho chủ hàng. Mặc dù vậy, mỗi ngày vẫn có 60 - 70 xe từ các địa phương tiếp tục đưa hàng lên Lạng Sơn dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tại cửa khẩu Quảng Ninh còn 1.555 xe, cửa khẩu Lạng Sơn còn 4.204 xe nằm chờ thông quan. Đỉnh điểm của lần ùn tắc này lên tới 6.200 xe chở, thiệt hại ước tính 3.000 tỷ đồng. Ông Hồ Xuân Hùng (Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT) nhìn nhận đây là lần ùn tắc hàng hoá lớn nhất trong nhiều năm qua, một “sự kiện để cảnh tỉnh” với chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam.

Từng đoàn xe nối đuôi nhau

Tắc biên - vì sao doanh nghiệp Việt thiệt hại nhiều?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), tình trạng tắc biên không hề mới mẻ, mà nguyên nhân đầu tiên do việc sản xuất và xuất khẩu ồ ạt, không có kế hoạch của người nông dân và các doanh nghiệp. “Đây không phải là vấn đề mới, mà đã xảy ra trong nhiều năm, mỗi khi phía Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, lần này hậu quả nặng nhất do ảnh hưởng cộng dồn của các lệnh ban hành mới của Trung Quốc và tác động của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, mới đây, Trung Quốc vừa đưa ra các Lệnh hải quan 248, 249 áp dụng từ 1/1/2022, khiến các doanh nghiệp Việt cố gắng xuất khẩu trong giai đoạn này để tranh thủ trước khi các luật trên có hiệu lực, càng tạo nên sự ùn ứ tắc nghẽn tại các cửa khẩu. Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp vốn đang quen xuất khẩu tiểu ngạch, với lợi thế là chi phí rẻ, không yêu cầu chất lượng cao, nhanh chóng, tiện lợi, không phải chịu trách nhiệm lâu dài, “tiền trao cháo múc”. Vì vậy để các doanh nghiệp chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch là rất khó” - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, còn nêu lên một lý do rất quan trọng, đó là việc thiếu các kho hàng đặc biệt tại các cửa khẩu biên giới để bảo quản các mặt hàng tươi sống. Ông Phú nêu ví dụ: Trung Quốc cũng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Việt Nam như khoai tây, cà rốt, su hào… và cũng bị tắc biên, nhưng họ không gặp vấn đề lớn như Việt Nam. Họ có các kho lạnh, kho mát, các kho hàng bảo quản các sản phẩm ở khu vực biên giới. Như vậy, nông sản của họ dù bị tắc ở biên giới cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam bị phơi dưới cái nắng 37 độ C nơi cửa khẩu, chẳng mấy chốc sẽ chín, hỏng và không thể xuất khẩu được nữa, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp.

Bữa ăn vất vưởng của các tài xế nơi cửa khẩu

Vấn đề xây dựng kho bãi đã được xem xét cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, gây ra tình trạng mất cân bằng, khi nông sản bán tháo ở cửa khẩu hoặc trên đường quay về có giá rất rẻ, như mít chỉ có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí có nông sản bị hỏng phải bỏ đi, nhưng người dân ở thành thị vẫn phải mua mít tới 30.000 - 40.000 đồng/kg. Điều này vừa gây thiệt hại cho người nông dân, doanh nghiệp, còn người tiêu dùng không được hưởng lợi.

Các mặt hàng nông sản hiện nay mới chỉ xuất khẩu thô, xuất khẩu nguyên quả mà chưa qua chế biến, khiến giá thành thấp, sức hấp dẫn của mặt hàng chưa cao, khả năng bảo quản kém. Ví dụ, ở Trung Quốc và các quốc gia khác, họ có thể chế biến mặt hàng mít thành mít sấy, mít khô, mít dẻo và nước mít. Khi chế biến các mặt hàng như thế thì khả năng bảo quản sẽ được nâng cao, lên tới 15 - 20 ngày, thậm chí với các mặt hàng đóng hộp, hạn sử dụng có thể lên tới 1 năm.

Mít hỏng vứt dưới đường

Bên cạnh đó, còn một lý do khác mà ông Phú nêu ra, đó là việc thiếu thông tin, thiếu người điều phối, đây là lý do quan trọng nhất: “Việc mù mờ thông tin khiến các doanh nghiệp không có định hướng, chỉ mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất, sự phân luồng rõ ràng. Dù các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan và các địa phương có đưa thông tin về tình hình ùn ứ tại các cửa khẩu và yêu cầu các doanh nghiệp hạn chế dồn hàng lên các cửa khẩu, nhưng chưa có sự chỉ đạo rõ ràng tới từng doanh nghiệp, từng địa phương” - Chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định./.

Tỉnh Lạng Sơn giao cơ quan y tế tham mưu với UBND tỉnh có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh phải có chứng nhận đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống Covid-19 từ nơi sản xuất, đóng gói, vận chuyển… Giao Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn làm việc với doanh nghiệp tham gia hoạt động khử khuẩn tại cửa khẩu liên hệ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để xem xét và chấp nhận kết quả khử khuẩn của Việt Nam và không phải khử khuẩn lại khi hàng hóa sang Trung Quốc. Lạng Sơn quyết định giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu; cung cấp nước sạch đóng bình miễn phí và 1.000 thùng mì ăn liền cho các lái xe trong trong thời gian xe hàng bị ùn ứ ở cửa khẩu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận